Tập trung nâng cao hiệu quả các dự án đo đạc bản đồ trong giai đoạn mới

Ngày 9/11, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đã có buổi làm việc với Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ về việc thực hiện Dự án: “Đo trọng lực cơ sở và vệ tinh của điểm trọng lực cơ sở giai đoạn 2017-2019 trong hệ thống tọa độ quốc gia phục vụ xác định sự thay đổi của trường trọng lực trên lãnh thổ Việt Nam” và Dự án “Xây dựng mạng lưới điểm trọng lực tuyệt đối trên các đảo thuộc vùng biển Việt Nam để quan trắc xác định độ dâng của mặt nước biển trung bình”.
(TN&MT) – Ngày 9/11, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đã có buổi làm việc với Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ về việc thực hiện Dự án: “Đo trọng lực cơ sở và vệ tinh của điểm trọng lực cơ sở giai đoạn 2017-2019 trong hệ thống tọa độ quốc gia phục vụ xác định sự thay đổi của trường trọng lực trên lãnh thổ Việt Nam” và Dự án “Xây dựng mạng lưới điểm trọng lực tuyệt đối trên các đảo thuộc vùng biển Việt Nam để quan trắc xác định độ dâng của mặt nước biển trung bình”.

a414.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu chỉ đạo

Báo cáo về 2 Dự án, PGS.TS. Phạm Minh Hải – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cho biết: Đối với Dự án “Xây dựng mạng lưới điểm trọng lực tuyệt đối trên các đảo thuộc vùng biển Việt Nam để quan trắc xác định độ dâng của mặt nước biển trung bình”, Viện đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong quá trình triển khai thi công các hạng mục cơ bản được thực hiện theo đúng Dự án đã phê duyệt.

Cụ thể, như xây dựng các điểm trọng lực tuyệt đối (Cơ sở) trên các trạm hải văn ở ven bờ biển; Xây dựng mạng lưới GNSS trên các trạm hải văn ở đảo và ven bờ biển; đo trọng lực tuyệt đối (Cơ sở) trên các trạm hải văn ven biển; đo lặp mạng lưới GNSS-HV bằng công nghệ GNSS theo chu kỳ 2 lần/năm; đo thủy chuẩn hạng II vào 6 trạm khí tượng hải văn ven bờ và đo lặp thủy chuẩn hạng II tại 13 trạm khí tượng hải văn; tính toán vec tơ chuyển dịch đứng của các điểm GNSS-HV trong hệ tọa độ quốc tế ITRF2008 giữa các chu kỳ đo lặp 2 lần/năm trong giai đoạn 2016-2020…

a412.jpg
PGS.TS. Phạm Minh Hải – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ báo cáo về 2 Dự án Viện đã triển khai

Đối với Dự án “Đo trọng lực cơ sở và vệ tinh của điểm trọng lực cơ sở giai đoạn 2017-2019 trong hệ thống tọa độ quốc gia phục vụ xác định sự thay đổi của trường trọng lực trên lãnh thổ Việt Nam”, Viện đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật như: Chọn điểm, chôn mốc trọng lực tuyệt đối; chọn điểm, chôn mốc, xây tường vây trọng lực vệ tinh; tìm điểm gốc tọa độ; tìm điểm gốc độ cao hạng I, II; kiểm nghiệm máy trọng lực tuyệt đối; đo tọa độ, độ cao bằng công nghệ GPS; đo trọng lực tuyệt đối; đo trọng lực tương đối; đo thủy chuẩn hạng I, II…

Sau khi kết thúc các nội dung công việc, các sản phẩm chính của Dự án “Đo trọng lực cơ sở và vệ tinh của điểm trọng lực cơ sở giai đoạn 2017-2019 trong hệ thống tọa độ quốc gia phục vụ xác định sự thay đổi của trường trọng lực trên lãnh thổ Việt Nam” bao gồm: Khôi phục mốc trọng lực cơ sở và các mốc vệ tinh của điểm trọng lực cơ sở đã bị mất; ghi chú điểm và biên bản bàn giao; giá trị trọng lực của 11 điểm trọng lực cơ sở; giá trị độ cao tại điểm trọng lực cơ sở bằng phương pháp đo thủy chuẩn hạng I, hạng II và đo GNSS; giá trị tọa độ của các điểm trọng lực cơ sở được khôi phục…

Với Dự án “Xây dựng mạng lưới điểm trọng lực tuyệt đối trên các đảo thuộc vùng biển Việt Nam để quan trắc xác định độ dâng của mặt nước biển trung bình”, sau khi kết thúc các nội dung của công tác trắc địa, các sản phẩm đã được giao nộp, lưu trữ tại Trung tâm Thông tin dữ liệu Đo đạc và Bản đồ – Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam.

a413.jpeg
Toàn cảnh buổi làm việc

Trong đó, có các sản phẩm 13 mốc quan trắc và số liệu đo GNNS ở các đảo và các trạm hải văn ven bờ biển; 5 mốc trọng lực tuyệt đối tại các trạm hải văn ven bờ biển; chuỗi số liệu đo lặp GNSS và thuỷ chuẩn hạng II các cụm mốc tại 13 trạm khí tượng hải văn; chuỗi số liệu đo lặp trọng lực tuyệt đối tại 5 trạm khí tượng hải văn ven bờ (Sầm Sơn, Hoành Sơn, Sơn Trà, Quy nhơn, Vũng Tàu)…

Cũng theo ông Phạm Minh Hải các sản phẩm thực hiện của Dự án được kiểm tra nghiệm thu chất lượng theo các Thông tư hướng dẫn công tác kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm đo đạc và bản đồ: số 63/2015/TT-BTNMT ngày 21/12/2015; số 24/2018/TT-BTNMT ngày 15/11/2018 và các Quy chế kiểm tra nghiệm thu nhiệm vụ chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sau khi nghe các ý kiến của lãnh đạo các đơn vị trong Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, lãnh đạo Bộ rất quan tâm đến tính thiết thực của 2 Dự án, cũng như khả năng chia sẻ các dữ liệu đã nghiên cứu cho đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ. Trong đó, có việc xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xác định thời gian, mức độ tác động nguy cơ ngập do hiện tượng nước biển dâng làm cơ sở định hướng cho các Bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động của biến đổi khí hậu…

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng yêu cầu Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tiếp tục tăng cường hơn nữa việc phối kết hợp với Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ để triển khai các Dự án tiếp sau đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực.